Khi quả bưởi chín vỏ quả, múi và tép quả có màu đỏ gấc rất đẹp. Hàm lượng caroten cao, mùi quả rất thơm lại có thờ gian thu hoạch kéo dài đến tết Nguyên Đán nên có giá trị trưng bày ngũ quả và thương mại rất cao. Một cây bưởi tốt mỗi vụ có thể cho thu hoạch từ 150 – 200 quả mang lại thu nhập cho người dân từ 3-4 triệu đồng một năm, tương đương với thu nhập từ sản xuất một sào lúa. Trong khi đó với diện tích 1h có thể trồng được từ 400 -500 cây. Ngoài ra giống bưởi này còn có giá trị văn hoá lịch sử gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của anh hùng dân tộc Lê Lợi và khu di tích lịch sử Lam Kinh.
Tuy có vai trò, vị trí quan trọng như vậy, nhưng hiện nay cây đặc sản quý này đang dần ít đi về số lượng, giảm sút về chất lượng ngay chính trên vùng quê Thọ Xương. Để bảo tồn và phát triển giống bưởi quý này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã giao cho Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hoá triển khai thực hiện đề tài khoa học: “Ứng dụng công nghệ vi ghép trong sản xuất, phát triển cây bưởi Luận Văn đặc sản của Thanh Hoá”. Tại Quyết định số 1953/QĐ-UBND ngày 17/7/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt danh mục và cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN đợt VII năm 2006. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hoá đã ký Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ số 375/HĐ-KHCN với Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hoá để triển khai thực hiện đề tài.
Sau 2 năm triển khai thực hiện giai đoạn 1, đề tài đã đi sâu tìm hiểu lịch sử trồng trọt, thực trạng sản xuất bưởi Luận Văn tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho thấy: Do mới có sự quan tâm phát triển cây bưởi Luận Văn của chính quyền địa phương và người dân, mặt khác về kỹ thuật trồng trọt người dân trồng bưởi theo kinh nghiệm: sử dụng cành chiết từ các cây trồng căn cỗi, lâu năm, chế độ chăm sóc và bón phân không đúng liều lượng, chủng loại, thời điểm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây...
Cũng thông qua việc thực hiện đề tài này, ngay trong giai đoạn 1, đề tài cũng đã đào tạo được 5 cán bộ kỹ thuật có tay nghề nhân giống cây có múi bằng công nghệ vi ghép và có khả năng tổ chức triển khai công nghệ vi ghép từ nguồn vật liệu cây đầu dòng bưởi Luận Văn, xây dựng vườn cây đầu dòng bưởi Luận Văn S0. Nguồn gen cây đặc sản đã được lưu giữ tại nhà màn của vùng lưu giữ trình diễn nuôi cấy mô thực vật của Trung tâm, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hoá.
Sau khi giai đoạn 1 của đề tài kết thúc, UBND tỉnh đã cho thực hiện tiếp giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2, đề tài cũng đã thu được một số kết quả ban đầu như: Tiếp tục lưu giữ vườn cây đầu dòng S0 (kết quả các cây S0 sinh trưởng tốt, sạch bệnh và đã được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận cho khai thác mắt ghép), Vườn cung cấp mắt ghép S1 hiện nay các cây S1 sinh trưởng phát triển tốt và có thể khai thác mắt ghép để sản xuất cây giống bưởi Luận Văn sạch bệnh phục vụ sản xuất trên quy mô lớn. Đề tài cũng đã gieo ươm cấy vào bầu được 2.600 cây, đã thực hiện ghép được 1.200 cây đạt chất lượng tốt, gốc ghép, chiều dài cành ghép đạt tiêu chuẩn xuất vườn trồng sản xuất, là cây giống sạch bệnh (được Viện Bảo vệ thực vật xác nhận). Đề tài cũng đã lập hồ sơ vườn cây đầu dòng S0, vườn cung cấp mắt ghép S1 báo cáo Sở NN&PTNT đề nghị cấp giấy chứng nhận nguồn giống. Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hoá cũng đã đăng ký với Trung tâm Khảo, Kiểm nghiệm giống Quốc gia để được giám sát và cấp giấy chứng nhận chất lượng cây giống phù hợp tiêu chuẩn khi lô cây giống đạt yêu cầu.
Tuy đến hết năm 2011 đề tài mới nghiệm thu, nhưng với những kết quả trên đã mang lại ý nghĩa khoa học về phục tráng giống bưởi đặc sản của Thanh Hoá, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, vừa có ý nghĩa trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương và là điều kiện để xây dựng mô hình trồng thâm canh bưởi Luận Văn có năng suất, chất lượng cao tại Thọ Xuân – Thanh Hoá.
Vũ Thị Hà - Sở KH&CN Thanh Hoá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét