Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Phương pháp bảo quản bưởi sau thu hoạch đơn giản, hiệu quả.

Năm nay, bưởi được mùa, được giá nhưng người dân không bán hết mà giữ lại những quả đẹp để làm quà cho những thân xa quê hương và đặc biệt phục vụ bán dịp tết cuối năm. Câu hỏi đặt ra với nhiều nông dân lúc này là phương pháp nào để cất giữ quả tốt nhất và phù hợp với nông hộ? Có nhiều phương pháp để bảo quản quả bưởi như bảo quản lạnh, bảo quản bằng hóa chất...nhưng những cách đó chỉ thích hợp với các doanh nghiệp đầu mối chuyên thu mua còn với hộ dân nhỏ lẻ thì cách đó không thực hiện được.


Theo kinh nghiệm của bà con trồng bưởi, để bảo quản quả bưởi được lâu thì cần chọn những qủa đúng độ chín, sau khi thu hái bôi vôi ở cuống quả, cất giữ quả bưởi ở nơi thoáng mát thì sẽ giữ được từ 2 - 3 tháng. Tuy nhiên với cách làm trên tỷ lệ quả hỏng cao (trên dưới 40%), giá trị sản phẩm sau khi bảo quản phải đạt gấp 3 lần sản phẩm khi thu hoạch mới đạt yêu cầu. Phương pháp bảo quản truyền thống này không thể áp dụng trong sản xuất hàng hóa mà chỉ phục vụ theo quy mô nhỏ của hộ gia đình. Để có quả bưởi cất giữ được lâu phục vụ dùng làm đồ thờ cúng, tế lễ cuối năm hay làm quà đảm bảo mẫu mã đẹp, vẫn giữ nguyên chất lượng xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong bảo quản. Bà con thực hiện như sau:

Bước 1. Công đoạn thu hoạch, xử lý, làm sạch quả.

- Quả được thu hoạch đúng độ chín.
- Quả cắt rời khỏi cây bưởi ngâm nay vào nước lã sạch.
- Hòa một ít nước vôi trong.
- Cắt cuống quả ngay trong nước lã sạch, sau đó vớt ra khỏi nước, lau khô bằng khăn sạch.
- Để quả khô ráo và bôi nước vôi trong vào cuống quả.

Bước 2. Chuẩn bị địa điểm, vật liệu bảo quản.

- Địa điểm nơi cất giữ phải thoáng mát.

- Cát sạch được rửa bằng nước vôi trong, để ráo nước. Đây là điều phải chú ý vì một số khuyến cáo bảo quản bằng cát nhưng không xử lý đã làm vỏ quả bị thối và lây lan sang cả lô quả bảo quản.
- Xếp ván, khung ván thủng ô hay ô chứa vào nơi bảo quản.

Bước 3. Tiến hành bảo quản.
- Phủ lên bề ván, khung ván, ô chứa một lớp cát dày 8 -10 cm với chiều rộng phụ thuộc vào ô kho và số lượng quả bưởi cần bảo quản.
- Xếp quả bưởi đã xử lý ở bước 1 lên lớp cát đó.
- Bưởi được xếp theo hàng ô vuông, hàng cách hàng 5cm, quả cách quả 5cm.
- Lớp quả thứ nhất xếp xong phủ tiếp 1 lớp cát dày 5 - 10cm rồi tiếp xếp lớp quả thứ hai.
Cách làm này lặp đi lặp lại và chỉ xếp từ 5 đến 6 lớp để thuận lợi cho công tác kiểm tra sau này. Trên cùng phủ 1 lớp cát dày 10 cm.




Bước 4. Tổ chức kiểm tra loại bỏ những quả hư hỏng.
Định kỳ 20 - 25 ngày tiến hành kiểm tra từng lớp quả để loại những quả hư hỏng nhằm tránh lây lan sang những quả khác. Sau khi kiểm tra xong loại bỏ hết những quả hư, tiến hành xếp lại như các bước trên.

So với các phương pháp bảo quản kho lạnh, bảo quản bằng hóa chất thì việc bảo quản bằng cát có hiệu quả không bằng, tỷ lệ quả hư 10 - 15% nhưng ưu điểm của phương pháp này là: Cải tiến những nhược điểm phương pháp bảo quản truyền thống, đầu tư ít, hoàn toàn giữ nguyên được chất lượng, màu sắc, đặc biệt hàm lượng đường tăng cao lên từ 10 % - 12% lên 15 - 17 %, tuy nhiên độ căng, bóng của quả có giảm nhưng không đáng kể.
Trong lúc chờ đợi áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về bảo quản bưởi sau thu hoạch, với phương pháp trên sẽ giúp bà con nông dân trồng bưởi có biện pháp bảo quản quả một cách đơn giản, hiệu quả nhất./.

Bưởi Tiến Vua Lên Ngôi Trong Tết Nguyên Đán

 Những sản vật từng một thời được "tiến vua" giờ đang được thương mại hóa triệt để. Với sự hỗ trợ của phương thức kinh doanh online, giờ đây bạn có thể ngồi nhà mà vẫn sắm Tết và nhất là có thể chọn những sản vật quý giá của mỗi vùng miền, như trường hợp trái bưởi Luận Văn.


Về vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa) những ngày giáp Tết, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về dòng bưởi đỏ tiến vua Luận Văn nức tiếng trong lịch sử. Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi đã tìm về xã Xuân Bái, nơi từng là cái nôi của bưởi Luận Văn để tìm hiểu về dòng sản phẩm này.

Thời Hậu Lê, bưởi đỏ Luận Văn được xem là sản vật quốc gia, được cung tiến cho vua vào mỗi dịp Tết. Sở dĩ bưởi Luận Văn được chọn là vì khi chín, quả bưởi chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi, có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng.

Màu đỏ đặc trưng này khiến cho quả bưởi Luận Văn, ngoài giá trị thuần túy của một loại hoa quả thông thường, còn là giá trị tinh thần. Màu đỏ vốn dĩ là màu tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc nên việc sử dụng trái bưởi đỏ để thờ cúng trong dịp Tết là một truyền thống của vùng này. Điều thú vị là, nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng trời, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết, cùng với các sản phẩm khác như quả bòng, phật thủ...
Vì những đặc điểm đó nên thời gian gần đây, nhiều người cũng thích sử dụng bưởi Luận Văn để làm quà biếu vì tuy giá trị vật chất không lớn nhưng giá trị văn hóa và tâm linh là rất ý nghĩa. Những cặp bưởi đẹp chỉ có giá trị vài trăm ngàn nhưng ý nghĩa văn hóa và tinh thần thì rất đáng quý, nên vì thế rất thích hợp cho việc tặng cho gia đình người lớn tuổi, xếp trong cơ quan hay các mối quan hệ làm ăn...
Tuy nhiên, vì bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nên trong nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ "cục bộ" tại Thanh Hóa, chưa đến được với các tỉnh thành khác và do đó rất ít người biết.
Thời gian gần đây, một số người buôn bán đã thử mang bưởi Luận Văn về các thành phố lớn để thăm dò thị trường. Tại Xuân Bái, tết này đã có một số chuyến xe từ Hà Nội về cắt bưởi. Trên mạng, bưởi Luận Văn cũng đang được rao bán với giá khoảng 100-150 ngàn/quả; cá biệt có những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 500-600 ngàn đồng. Trên website moimien.vn, dòng sản phẩm này cũng đang được rao bán với khá nhiều hình ảnh bắt mắt.
Thời gian gần đây, để bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã có những hoạt động khá tích cực. Chẳng hạn, gần đây Trung tâm Nuôi cấy mô Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh, phòng chống tái nhiễm bệnh cho bưởi Luận Văn cho các hộ trồng bưởi tại một số xã của huyện Thọ Xuân. 

Theo cơ quan này, với việc tiếp thu những kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm trồng bưởi qua nhiều năm và với chính sách hỗ trợ hiệu quả của huyện và tỉnh, sẽ khuyến khích các hộ trồng bưởi mở rộng diện tích và là tiền đề quan trọng để huyện Thọ Xuân hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, trong đó có bưởi Luận Văn. Bên cạnh đó, dòng bưởi này cũng đang được xây dựng chỉ dẫn địa lý “Luận Văn”, qua đó "thương mại hóa" dòng sản phẩm này. Theo các chuyên gia về trồng trọt, vấn đề hiện nay là phải bảo vệ, bảo hộ danh tiếng của bưởi Luận Văn và địa danh nơi trồng, một yếu tố rất quan trọng để trong tương lai phát triển dòng bưởi này một cách căn cơ. 

Đầu năm 2011, một nhóm nghiên cứu về bưởi Luận Văn thậm chí đã tổ chức hội nghị thử nếm bưởi Luận Văn tại xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa. Trong hội nghị, ngoài việc thử nếm và cùng đánh giá chất lượng cảm quan 14 mẫu bưởi được lấy tại các điểm khác nhau, các đại biểu còn chia sẻ ý kiến của mình về thực trạng trồng bưởi tại địa phương, các ý kiến xung quanh việc xây dựng thương hiệu và thương mại cho sản phẩm sau này.


Vài năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như được khích lệ bởi những hoạt động hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ dân đã bắt tay vào việc trồng bưởi Luận Văn một cách có bài bản. Theo nhận định chung của các chuyên gia cũng như chính những người nông dân, tiềm năng của bưởi Luận Văn là rất lớn, tuy nhiên sẽ cần có thêm thời gian để dòng bưởi này có thể vươn xa.

Theo một chuyên gia Sở NN&PTNT Thanh Hóa, bưởi Luận Văn có một lợi thế rất lớn là chín vào đúng dịp Tết cổ truyền, lại có màu đỏ đẹp mà không giống bưởi nào có được và rất thơm nên trong tương lai đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn, đặc biệt trên góc độ giá trị tâm linh.



Giá trị tâm linh ở Bưởi Luận Văn


Bưởi Luận Văn có nguồn gốc tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Giống bưởi này nổi tiếng vì là sản vật tiến vua, đặc biệt là thời hậu Lê. Quả bưởi Luận Văn khi nhỏ có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi, có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng.
Ngoài giá trị thuần túy là loại "trái cây ngon", điều khiến người dân thích sử dụng loại bưởi này để thờ cúng trong dịp Tết âm lịch còn vì quả bưởi đỏ Luận Văn được xem là một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng trời, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết, cùng với các sản phẩm khác như quả bòng, phật thủ... Nhiều người cũng thích sử dụng bưởi Luận Văn để làm quà biếu vì tuy giá trị vật chất không lớn nhưng giá trị văn hóa và tâm linh là rất ý nghĩa.
Quý giá là vậy nhưng bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ tại Thanh Hóa, ít khi có dịp vươn ra thị trường các tỉnh thành khác. Nói theo ngôn ngữ thời thượng là đặc sản này chưa được thương mại hóa, trong bối cảnh các dòng bưởi khác như: Năm Roi, Phúc Trạch, Diễn, Đoan Hùng...
Tuy nhiên, cùng với sự hồi sinh cho giống bưởi quý tiến vua tại vùng đất Thọ Xuân, ngày càng có nhiều người trên khắp mọi miền đất nước đã biết đến dòng bưởi này bởi hương vị, màu sắc đặc trưng và nét văn hoá tâm linh riêng có của vùng đất trồng nơi đây.
Tết này, bưởi Luận Văn cũng đã chính thức trở thành sản vật quê hương Thọ Xuân, có mặt trên nhiều thị trường với mức giá khoảng 100-150 ngàn/quả. Đặc biệt, những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 500-600 ngàn đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có một số lượng khá ít bưởi Luận Văn được đưa về Hà Nội, nhưng cũng là một nét mới mang đậm sắc màu trong mâm ngũ quả của ngày Tết Giáp Ngọ năm nay, nhất là đối với những người sành sõi về bưởi và am hiểu "thuyết ngũ hành, âm dương".