Những sản vật từng một thời được "tiến vua" giờ đang được thương mại hóa triệt để. Với sự hỗ trợ của phương thức kinh doanh online, giờ đây bạn có thể ngồi nhà mà vẫn sắm Tết và nhất là có thể chọn những sản vật quý giá của mỗi vùng miền, như trường hợp trái bưởi Luận Văn.
Về vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa) những ngày giáp Tết, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về dòng bưởi đỏ tiến vua Luận Văn nức tiếng trong lịch sử. Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi đã tìm về xã Xuân Bái, nơi từng là cái nôi của bưởi Luận Văn để tìm hiểu về dòng sản phẩm này.
Thời Hậu Lê, bưởi đỏ Luận Văn được xem là sản vật quốc gia, được cung tiến cho vua vào mỗi dịp Tết. Sở dĩ bưởi Luận Văn được chọn là vì khi chín, quả bưởi chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi, có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng.
Màu đỏ đặc trưng này khiến cho quả bưởi Luận Văn, ngoài giá trị thuần túy của một loại hoa quả thông thường, còn là giá trị tinh thần. Màu đỏ vốn dĩ là màu tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc nên việc sử dụng trái bưởi đỏ để thờ cúng trong dịp Tết là một truyền thống của vùng này. Điều thú vị là, nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng trời, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết, cùng với các sản phẩm khác như quả bòng, phật thủ...
Vì những đặc điểm đó nên thời gian gần đây, nhiều người cũng thích sử dụng bưởi Luận Văn để làm quà biếu vì tuy giá trị vật chất không lớn nhưng giá trị văn hóa và tâm linh là rất ý nghĩa. Những cặp bưởi đẹp chỉ có giá trị vài trăm ngàn nhưng ý nghĩa văn hóa và tinh thần thì rất đáng quý, nên vì thế rất thích hợp cho việc tặng cho gia đình người lớn tuổi, xếp trong cơ quan hay các mối quan hệ làm ăn...
Tuy nhiên, vì bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nên trong nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ "cục bộ" tại Thanh Hóa, chưa đến được với các tỉnh thành khác và do đó rất ít người biết.
Thời gian gần đây, một số người buôn bán đã thử mang bưởi Luận Văn về các thành phố lớn để thăm dò thị trường. Tại Xuân Bái, tết này đã có một số chuyến xe từ Hà Nội về cắt bưởi. Trên mạng, bưởi Luận Văn cũng đang được rao bán với giá khoảng 100-150 ngàn/quả; cá biệt có những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 500-600 ngàn đồng. Trên website moimien.vn, dòng sản phẩm này cũng đang được rao bán với khá nhiều hình ảnh bắt mắt.
Thời gian gần đây, để bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã có những hoạt động khá tích cực. Chẳng hạn, gần đây Trung tâm Nuôi cấy mô Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh, phòng chống tái nhiễm bệnh cho bưởi Luận Văn cho các hộ trồng bưởi tại một số xã của huyện Thọ Xuân.
Theo cơ quan này, với việc tiếp thu những kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm trồng bưởi qua nhiều năm và với chính sách hỗ trợ hiệu quả của huyện và tỉnh, sẽ khuyến khích các hộ trồng bưởi mở rộng diện tích và là tiền đề quan trọng để huyện Thọ Xuân hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, trong đó có bưởi Luận Văn. Bên cạnh đó, dòng bưởi này cũng đang được xây dựng chỉ dẫn địa lý “Luận Văn”, qua đó "thương mại hóa" dòng sản phẩm này. Theo các chuyên gia về trồng trọt, vấn đề hiện nay là phải bảo vệ, bảo hộ danh tiếng của bưởi Luận Văn và địa danh nơi trồng, một yếu tố rất quan trọng để trong tương lai phát triển dòng bưởi này một cách căn cơ.
Đầu năm 2011, một nhóm nghiên cứu về bưởi Luận Văn thậm chí đã tổ chức hội nghị thử nếm bưởi Luận Văn tại xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa. Trong hội nghị, ngoài việc thử nếm và cùng đánh giá chất lượng cảm quan 14 mẫu bưởi được lấy tại các điểm khác nhau, các đại biểu còn chia sẻ ý kiến của mình về thực trạng trồng bưởi tại địa phương, các ý kiến xung quanh việc xây dựng thương hiệu và thương mại cho sản phẩm sau này.
Vài năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như được khích lệ bởi những hoạt động hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ dân đã bắt tay vào việc trồng bưởi Luận Văn một cách có bài bản. Theo nhận định chung của các chuyên gia cũng như chính những người nông dân, tiềm năng của bưởi Luận Văn là rất lớn, tuy nhiên sẽ cần có thêm thời gian để dòng bưởi này có thể vươn xa.
Theo một chuyên gia Sở NN&PTNT Thanh Hóa, bưởi Luận Văn có một lợi thế rất lớn là chín vào đúng dịp Tết cổ truyền, lại có màu đỏ đẹp mà không giống bưởi nào có được và rất thơm nên trong tương lai đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn, đặc biệt trên góc độ giá trị tâm linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét