Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

19 bài thuốc tuyệt vời từ quả bưởi


Cơm bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, trị ho, giải rượu. Vỏ ngoài chứa tinh dầu vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giảm đau. Hạt bưởi vị đắng, tính ấm, chứa chất béo, có tác dụng trị đau thoát vị bẹn, sa đì…

Một số bài thuốc từ quả bưởi:

1. Hôi miệng, giải rượu

- Cơm bưởi 100 g, nhai nuốt dần dần.

- Bưởi 1 quả lấy nước, vỏ quít 10 g, gùng tươi 6 g, thêm đường đen lượng vừa nấu chung, mỗi ngày dùng 1 liều, dùng liền trong 5 ngày.

2. Chữa ho nhiều, đàm khí nghịch


- Cơm bưởi 100 g, rượu gạo 15 ml, mật ong 30 ml, chưng cách thủy cho chín nhừ, mỗi ngày ăn 1 lần.

- Cơm bưởi cắt nhuyễn cho vào bình, ngâm rượu, đậy kín 1 đêm, nấu nhừ, dùng mật ong trộn đều, ngậm nuốt thường xuyên.


3. Trẻ đau trướng bụng hoặc tiêu chảy do ăn không tiêu

- Lấy vỏ bưởi rửa sạch, cạo bỏ lớp ngoài, cắt thành từng khúc, nấu với nước sôi một lát rồi vắt nước, ngâm trong đường 1 tuần. Lấy nước mứt nuốt dần, dùng liền 5 ngày.

4. Ốm nghén

- 15g vỏ bưởi rửa sạch, cho vào nồi, thêm 300ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước thuốc đặc, chia 3 lần uống trong ngày, trước khi ăn 20 phút. Cần uống khoảng 3 – 5 ngày.

- Bưởi 5 - 8 quả, bỏ vỏ hạt, vắt lấy đường đun nhỏ lửa cho sôi, thêm vào 500g mật ong, 100g đường kính, 10ml nước gừng tươi, đun thành dạng sền sệt rồi cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần một thìa canh pha với nước sôi, ngày uống 2 lần.

5. Rối loạn tiêu hóa, nước dãi trào ngược

- Cơm bưởi 60 g, ăn hết một lần, mỗi ngày ăn 3 lần.

- Nước bưởi, mỗi lần dùng 50 g, ngày 3 lần, dùng liền 5 ngày.

- Bưởi 5-8 quả ép lấy nước, dùng lửa nấu đặc, thêm 500 g mật ong, 100 g đường phèn, 10 ml nước gừng tươi, cùng nấu thành dạng cao, để nguội, đựng trong lọ. Mỗi lần dùng 15 ml, ngày 2 lần, dùng liền 5 ngày.

6. Say tàu xe hay rối loạn tiêu hóa, miệng nhạt buồn nôn do cảm


Mứt bưởi 30-60 g, nhai nuốt dần.

Nước bưởi chứa nhiều chất bổ dưỡng như các loại đường trái cây, đạm, béo, acid tannic, beta-caroten và các chất khoáng như phospho, sắt, canxi, kali, magiê, các vitamin B1, B2, C.


7. Đau khớp hay té ngã sưng đau
Vỏ bưởi tươi 250 g, gừng tươi 30 g, cùng băm nhuyễn, đắp tại chỗ, mỗi ngày thay 1 lần.

8. Dị ứng da hay mẩn ngứa không rõ nguyên nhân

Bưởi da xanh 1 quả, cắt bổ nguyên quả, nấu nước thoa rửa tại chỗ, mỗi ngày làm 3 lần, đồng thời có thể ăn bưởi 60 g, mỗi ngày 3 lần.

9. Thoát vị bẹn, sa đì

Hạt bưởi 15 g, băm nhuyễn nấu nước uống, ngày uống 1 lần vào sáng và chiều.

10. Bong gân, sưng khớp do lạnh, chấn thương
Lá bưởi không kể liều lượng, nướng chín để nắn, xoa bóp hay nấu nước xông và ngâm tại chỗ.

11. Tiểu đường

Nước bưởi có thành phần tựa như insulin, giúp hạ đường huyết, có tác dụng hỗ trợ đối với bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp.

12. Kháng viêm

Vỏ chứa tinh dầu giúp kháng viêm. Lá bưởi vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm.

13. Giải cảm

Vỏ ngoài của bưởi chứa nhiều tinh dầu, ngoài tác dụng hỗ trợ tiêu hóa còn trị cảm cúm và thường được dùng trong liệu pháp nấu nồi xông giải cảm.

14. Ngừa tai biến do vỡ mạch, hạ huyết áp

Vỏ bưởi còn chứa nhiều flavonoid như naringosid, hesperidin, diosmin, diosmetin, hesperitin... có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm tính thấm, giúp cho mao mạch đàn hồi và bền vững hơn, từ đó ngăn ngừa tai biến do vỡ các mao mạch, gián tiếp giúp hạ huyết áp.

15. Kích thích mọc tóc

Vỏ ngoài quả bưởi chứa tinh dầu, lấy vỏ bưởi xoa trên da đầu để kích thích lỗ chân lông phòng trị bệnh hói hay rụng tóc.


16. Giảm cân

Một hoặc hai quả bưởi mỗi ngày, cùng với một khẩu phần ăn khoa học, có thể giúp bạn giảm cân. Nó cũng giúp làm giảm nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc nhờ tác dụng khống chế hoạt động của chất sinh ung thư trong khói thuốc.

17. Chống mụn
Tinh dầu chiết xuất từ vỏ bưởi sẽ loại bỏ cảm giác bóng nhờ trên da mặt và chống mụn bằng cách tăng độ pH cho làn da.

18. Chống lão hóa

Tinh dầu vỏ bưởi có thể nuôi dưỡng làn da và kích thích hình thành collagen, giúp thay thế mô da đã lão hóa bằng mô mới khỏe mạnh hơn, giu0s da có bề mặt săn chắc hơn nếu sử dụng lâu dai.

19. Giảm mỡ máu

Tinh dầu có trong bỏ ngoài bưởi có tác dụng làm giảm mỡ mãu, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Cách làm các món ăn từ quả bưởi


Những món nhẹ sau đây sẽ giúp bạn giải nhiệt vì được chế biến từ bưởi và các loại trái cây ngọt mát khác. Không chỉ ngon miệng mà bưởi còn là một trong những thực phẩm tuyệt vời để giám cân bạn nhé.

1. Cocktail bưởi




Nguyên liệu: 3 múi bưởi, 4 thìa cà phê đường, 3 thìa nước sôi, 6 quả cherry, 6 lá bạc hà.

Thực hiện: Bưởi đào bóc múi cho vào máy xay

Cho đường vào nước sôi hòa tan rồi đổ vào nước bưởi. Thêm đá cho mát, trang trí với những quả cherry và lá bạc hà.

2. Sữa chua nóng vị bưởi


Thực hiện; 2 múi bưởi, 150g sữa chua, 2 thìa đường nâu, 2 quả cherry

Thực hiện: Bưởi bóc múi, tách nhỏ rồi trộn với sữa chua. Rắc đường nâu lên trên, cho vào lò nướng đến khi đường trên mặt tan hết. Lấy ra trang trí thêm quả cherry và thưởng thức.

3. Nước ép bưởi cam






Nguyên liệu: 2 múi bưởi, 2 quả cam Thực hiện: Bưởi, cam bóc vỏ. Tách lấy tép cam và bưởi rồi cho vào máy xay sinh

tố. Nhấn nút xay nhuyễn, thêm đường nếu muốn. Cho đá vào uống lạnh ngon hơn.

4. Xiên hoa quả

Nguyên liệu: 1 quả bưởi, 2 quả kiwi, 1 quả dứa, 1 chùm nho, 1 quả dưa, 1 nắm xiên tre.

Thực hiện: Hoa quả rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.

Xiên xen kẽ các loại hoa quả vào que tre, đặt lên đĩa. Có thể rắc thêm đường nếu muốn.

5. Salad tôm bưởi kiểu Thái



Nguyên liệu: ½ chén nước cốt chanh, 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường trắng, 2 nhánh tỏi (đập giập), 1 quả bưởi bóc lấy múi, 200g tôm thịt hấp chín, 400g thịt ức gà luộc chín xé nhỏ, 200g cùi dừa, ½ chén lá bạc hà, hành, ớt, rau mùi.

Thực hiện: Làm xốt: pha nước cốt chanh với đường, nước mắm và tỏi. Lấy một cái âu, trộn chung tôm hấp, bưởi, thịt ức gà, cùi dừa thái mỏng, hành, ớt, rau mùi.

Tưới nước xốt lên nguyên liệu, trộn nhẹ đều tay. Để 5 phút cho ngấm, đem ra thưởng thức ngay.

6. Giỏ bưởi
Nguyên liệu: 2 quả bưởi, 1 miếng dưa vàng, 250g dứa chín, 1 quả cam, 2 quả cherry, đường, lá bạc hà

Thực hiện: Bưởi bổ ngang, khéo léo tách lấy các múi để giữ lại 2 nửa vỏ. Nếu phần vỏ xốp trắng bên trong hơi dày bạn lọc bớt đi.

Bóc lấy các múi bưởi cho vào bát, dưa vàng cắt miếng vuông 2cm, cam tách múi tương tự bưởi, dứa cắt miếng vừa ăn, cherry bổ đôi.

Trộn tất cả các loại trái cây với nhau, rắc chút đường cho thêm ngọt. Múc trái cây cho trở lại phần vỏ bưởi lúc nãy.

Cho giỏ bưởi trái cây này vào tủ lạnh, khi ăn trang trí thêm lá bạc hà bên trên.

7. Salad bưởi và quả bơ







Nguyên liệu: 6 thìa sữa chua trắng, 2 thìa cà phê mù tạt, 1 thìa mật ong, 4 múi bưởi, 1 quả bơ, 1 ít rau xà lách

Thực hiện: Làm xốt: trộn sữa chua với mù tạt và mật ong

Bưởi tách múi cho vào bát, nếu múi to thì cắt làm đôi hoặc ba.

Quả bơ gọt vỏ, bỏ hạt. Cho bơ và bưởi vào 1 cái âu to, tưới nước xốt lên trên, xóc đều.

Rau xà lách rửa sạch, trải lên đĩa, sau đó đổ salad lên trên.

8. Nộm bưởi tôm


Nguyên liệu: 250g tôm, 1 thìa dầu vừng, 1 thìa mật ong, 2 thìa dấm, 1 thìa xì dầu, ½ thìa ớt, lá xà lách, 5 múi bưởi, 1/4 củ hành tây.

Thực hiện: Tôm hấp chín, bóc vỏ, bỏ dọc làm đôi

Lấy 1 cái bát, trộn dầu vừng, mật ong, dấm, xì dầu và ớt.

Hành tây thái thật mỏng, nếu hành hăng quá thì ngâm vào dấm 15 phút. Bưởi bóc lấy múi cắt nhỏ, trộn bưởi với tôm, hành tây và nước xốt. Lót các lá xà lách lên đĩa. Dùng thìa múc salad lên trên, tưới thêm nước xốt, dùng ngay.

Tác dụng chữa bách bệnh của quả bưởi

Bưởi không chỉ là loại quả được nhiều người ưa chuộng mà nó còn có công dụng chữa bệnh vô cùng thần kỳ, bạn nên biết.
Bưởi là trái cây được nhiều người ưa thích vì mùi vị thơm ngon, lành, bổ mát. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được hết những lợi ích sức khỏe mà bưởi mang đến cho chúng ta.

Tăng cường hệ miễn dịch


Nguồn vitamin C dồi dào có trong bưởi giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch đồng thời giúp bạn có thể đề kháng được nhiều loại bệnh như cảm cúm hay sốt. Vitamin C còn ngăn ngừa bệnh ung thư miệng và ung thư dạ dày, đột quỵ và đau tim.





Chữa đái đường, béo phì và tim mạch

Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện trong nước bưởi có chứa insulinl; có thể làm hạ đường huyết. Mỗi ngày ăn một quả bưởi chua sẽ có tác dụngrất tốt cho những người mắc bệnh đái đường, béo phì và người mắc bệnh tim mạch.

Bưởi ngăn ngừa bệnh viêm nướu


Các nhà khoa học đã phát hiện ra ăn hai quả bưởi mỗi ngày có thể giảm được những tác hại do bênh viêm nướu gây ra. Nếu bệnh viêm nướu không được chữa trị sẽ dẫn đến ung thư miệng, thậm chí còn dẫn đến các bệnh tim mạch.

Bưởi giảm các cholesterol có hại


Các nghiên cứu đã chỉ ra LDL cholesterolcos có hại giảm 15% ở những người thường xuyên ăn hoặc uống nước ép bưởi. Triglycerides, một loại cholesterol có hại cũng giảm 17%. Những kết quả này có được chỉ sau một tháng những người tham gia đưa bưởi vào bữa ăn hàng ngày của họ.


Bưởi ngăn ngừa ung thư vú


Phần ruột bên trong bưởi có chứa glucarates, một loại phytochemical đã được chứng minh hiệu quả chống lại bệnh ung thư vú.

Ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt


Các chất chống oxy hóa trong bưởi sẽ tấn công các mầm bệnh ung thưtuyến tiền liệt tiềm ẩn trong cơ thể. Uống nước ép bưởi hàng ngày nó có thể giúp cho cơ thể có sức đề kháng tốt hơn đồng thời ngăn chặn được sự hình thành và phát triển của căn bệnh này.

Bưởi ngăn ngừa ung thư phổi


Các nghiên cứu đã chỉ ra bưởi còn có thể ngăn ngừa bệnh ung thư phổi. Tiêu thụ 6 ounces (tương đương 170 gram) bưởi mỗi ngày sẽ làm giảm tác hại của khói thuốc lá và xì gà đối với cơ thể. Bưởi cũng kích hoạt các enzim chống lại căn bệnh này. Bưởi đỏ được cho là chống ung thư phổi hữu hiệu hơn các loại bưởi khác.

Giúp thanh lọc gan


Uống nước ép bưởi sẽ giúp gan khỏe hơn và làm sạch các độc tố có trong gan. Thanh lọc gan sẽ giúp thuyên giảm các bệnh mãn tính như trầm cảm, cứng cơ hay đau đầu mãn tính.

Bưởi tăng cường sự trao đổi chất

Bưởi cũng tăng tốc quá trình trao đổi chất của bạn, hỗ trợ đắc lực cho việcgiảm cân. Song song với việc ăn kiêng thích hợp và luyện tập thể dục, việc nâng cao quá trình trao đổi chất có thể giúp bạn giảm khoảng 0,9kg một tuần.

Bưởi ngăn ngừa sỏi thận

Uống một lít nước ép bưởi mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa sỏi thận, tránh khỏi những cơn đau đớn do căn bệnh này gây ra. Bởi sỏi thận thường được hình thành từ canxi, khi chúng phát triển thành những viên sỏi, hoặc chúng sẽ đi qua niệu đạo hoặc sẽ làm phá vỡ tình trạng khoẻ mạnh của cơ thể.

Bưởi đốt cháy mỡ thừa


Hãy thưởng thức một ly nước ép bưởi hoặc nửa trái bưởi trước mỗi bữa ăn có thể thu về những lợi ích này. Những người tham gia vào cuộc thí nghiệm đã giảm được khoảng 1,8kg trong 12 tuần.


Ngoài ra cùi bưởi, vỏ bưởi và hạt bưởi cũng có tác dụng chữa bệnh: tinh dầu vỏ bưởi làm tóc nhanh mọc. Lấy 15g hạt bưởi, băm nhuyễn nấu nước uống, ngày uống 1 lần vào sáng và chiều có thể chữa được thoát vị bẹn, sa đì. Lấy 100g cùi bưởi nhai nuốt dần dần có thể giải được rượu.

Chữa đau chướng bụng do ăn không tiêu

Lấy vỏ bưởi rửa sạch, cạo bỏ lớp ngoài, cắt thành từng khúc rồi nấu với nước sôi. Khi để nguội vắt vỏ ra nước, ngâm với đường một tuần. Lấy nước này uống liên tục trong 5 ngày.

Kích thích mọc tóc cho bé

Thông thường dân gian có lưu truyền cắt tóc máu cho bé thì tóc mới mọc đen ra và dày hơn được. Tuy nhiên, với bé nào tóc mọc ít thì các mẹ có thể dùng mẹo này: Vỏ bưởi chứa tinh dầu, lấy thoa lên da đầu bé để kích thích lỗ chân lông và phòng trị rụng tóc.


Bưởi còn cung cấp thêm vitamin C tăng sức đề kháng cho trẻ. Trên đây là một số công dụng của quả bưởi mà bạn có thể dễ dàng áp dụng để chăm sóc con ngay tại nhà.


Ngoài ra cùi bưởi, vỏ bưởi và hạt bưởi cũng có tác dụng chữa bệnh: tinh dầu vỏ bưởi làm tóc nhanh mọc. Lấy 15g hạt bưởi, băm nhuyễn nấu nước uống, ngày uống 1 lần vào sáng và chiều có thể chữa được thoát vị bẹn, sa đì. Lấy 100g cùi bưởi nhai nuốt dần dần có thể giải rượu.


Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Phương pháp bảo quản bưởi sau thu hoạch đơn giản, hiệu quả.

Năm nay, bưởi được mùa, được giá nhưng người dân không bán hết mà giữ lại những quả đẹp để làm quà cho những thân xa quê hương và đặc biệt phục vụ bán dịp tết cuối năm. Câu hỏi đặt ra với nhiều nông dân lúc này là phương pháp nào để cất giữ quả tốt nhất và phù hợp với nông hộ? Có nhiều phương pháp để bảo quản quả bưởi như bảo quản lạnh, bảo quản bằng hóa chất...nhưng những cách đó chỉ thích hợp với các doanh nghiệp đầu mối chuyên thu mua còn với hộ dân nhỏ lẻ thì cách đó không thực hiện được.


Theo kinh nghiệm của bà con trồng bưởi, để bảo quản quả bưởi được lâu thì cần chọn những qủa đúng độ chín, sau khi thu hái bôi vôi ở cuống quả, cất giữ quả bưởi ở nơi thoáng mát thì sẽ giữ được từ 2 - 3 tháng. Tuy nhiên với cách làm trên tỷ lệ quả hỏng cao (trên dưới 40%), giá trị sản phẩm sau khi bảo quản phải đạt gấp 3 lần sản phẩm khi thu hoạch mới đạt yêu cầu. Phương pháp bảo quản truyền thống này không thể áp dụng trong sản xuất hàng hóa mà chỉ phục vụ theo quy mô nhỏ của hộ gia đình. Để có quả bưởi cất giữ được lâu phục vụ dùng làm đồ thờ cúng, tế lễ cuối năm hay làm quà đảm bảo mẫu mã đẹp, vẫn giữ nguyên chất lượng xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong bảo quản. Bà con thực hiện như sau:

Bước 1. Công đoạn thu hoạch, xử lý, làm sạch quả.

- Quả được thu hoạch đúng độ chín.
- Quả cắt rời khỏi cây bưởi ngâm nay vào nước lã sạch.
- Hòa một ít nước vôi trong.
- Cắt cuống quả ngay trong nước lã sạch, sau đó vớt ra khỏi nước, lau khô bằng khăn sạch.
- Để quả khô ráo và bôi nước vôi trong vào cuống quả.

Bước 2. Chuẩn bị địa điểm, vật liệu bảo quản.

- Địa điểm nơi cất giữ phải thoáng mát.

- Cát sạch được rửa bằng nước vôi trong, để ráo nước. Đây là điều phải chú ý vì một số khuyến cáo bảo quản bằng cát nhưng không xử lý đã làm vỏ quả bị thối và lây lan sang cả lô quả bảo quản.
- Xếp ván, khung ván thủng ô hay ô chứa vào nơi bảo quản.

Bước 3. Tiến hành bảo quản.
- Phủ lên bề ván, khung ván, ô chứa một lớp cát dày 8 -10 cm với chiều rộng phụ thuộc vào ô kho và số lượng quả bưởi cần bảo quản.
- Xếp quả bưởi đã xử lý ở bước 1 lên lớp cát đó.
- Bưởi được xếp theo hàng ô vuông, hàng cách hàng 5cm, quả cách quả 5cm.
- Lớp quả thứ nhất xếp xong phủ tiếp 1 lớp cát dày 5 - 10cm rồi tiếp xếp lớp quả thứ hai.
Cách làm này lặp đi lặp lại và chỉ xếp từ 5 đến 6 lớp để thuận lợi cho công tác kiểm tra sau này. Trên cùng phủ 1 lớp cát dày 10 cm.




Bước 4. Tổ chức kiểm tra loại bỏ những quả hư hỏng.
Định kỳ 20 - 25 ngày tiến hành kiểm tra từng lớp quả để loại những quả hư hỏng nhằm tránh lây lan sang những quả khác. Sau khi kiểm tra xong loại bỏ hết những quả hư, tiến hành xếp lại như các bước trên.

So với các phương pháp bảo quản kho lạnh, bảo quản bằng hóa chất thì việc bảo quản bằng cát có hiệu quả không bằng, tỷ lệ quả hư 10 - 15% nhưng ưu điểm của phương pháp này là: Cải tiến những nhược điểm phương pháp bảo quản truyền thống, đầu tư ít, hoàn toàn giữ nguyên được chất lượng, màu sắc, đặc biệt hàm lượng đường tăng cao lên từ 10 % - 12% lên 15 - 17 %, tuy nhiên độ căng, bóng của quả có giảm nhưng không đáng kể.
Trong lúc chờ đợi áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về bảo quản bưởi sau thu hoạch, với phương pháp trên sẽ giúp bà con nông dân trồng bưởi có biện pháp bảo quản quả một cách đơn giản, hiệu quả nhất./.

Bưởi Tiến Vua Lên Ngôi Trong Tết Nguyên Đán

 Những sản vật từng một thời được "tiến vua" giờ đang được thương mại hóa triệt để. Với sự hỗ trợ của phương thức kinh doanh online, giờ đây bạn có thể ngồi nhà mà vẫn sắm Tết và nhất là có thể chọn những sản vật quý giá của mỗi vùng miền, như trường hợp trái bưởi Luận Văn.


Về vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa) những ngày giáp Tết, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về dòng bưởi đỏ tiến vua Luận Văn nức tiếng trong lịch sử. Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi đã tìm về xã Xuân Bái, nơi từng là cái nôi của bưởi Luận Văn để tìm hiểu về dòng sản phẩm này.

Thời Hậu Lê, bưởi đỏ Luận Văn được xem là sản vật quốc gia, được cung tiến cho vua vào mỗi dịp Tết. Sở dĩ bưởi Luận Văn được chọn là vì khi chín, quả bưởi chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi, có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng.

Màu đỏ đặc trưng này khiến cho quả bưởi Luận Văn, ngoài giá trị thuần túy của một loại hoa quả thông thường, còn là giá trị tinh thần. Màu đỏ vốn dĩ là màu tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc nên việc sử dụng trái bưởi đỏ để thờ cúng trong dịp Tết là một truyền thống của vùng này. Điều thú vị là, nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng trời, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết, cùng với các sản phẩm khác như quả bòng, phật thủ...
Vì những đặc điểm đó nên thời gian gần đây, nhiều người cũng thích sử dụng bưởi Luận Văn để làm quà biếu vì tuy giá trị vật chất không lớn nhưng giá trị văn hóa và tâm linh là rất ý nghĩa. Những cặp bưởi đẹp chỉ có giá trị vài trăm ngàn nhưng ý nghĩa văn hóa và tinh thần thì rất đáng quý, nên vì thế rất thích hợp cho việc tặng cho gia đình người lớn tuổi, xếp trong cơ quan hay các mối quan hệ làm ăn...
Tuy nhiên, vì bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nên trong nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ "cục bộ" tại Thanh Hóa, chưa đến được với các tỉnh thành khác và do đó rất ít người biết.
Thời gian gần đây, một số người buôn bán đã thử mang bưởi Luận Văn về các thành phố lớn để thăm dò thị trường. Tại Xuân Bái, tết này đã có một số chuyến xe từ Hà Nội về cắt bưởi. Trên mạng, bưởi Luận Văn cũng đang được rao bán với giá khoảng 100-150 ngàn/quả; cá biệt có những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 500-600 ngàn đồng. Trên website moimien.vn, dòng sản phẩm này cũng đang được rao bán với khá nhiều hình ảnh bắt mắt.
Thời gian gần đây, để bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã có những hoạt động khá tích cực. Chẳng hạn, gần đây Trung tâm Nuôi cấy mô Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh, phòng chống tái nhiễm bệnh cho bưởi Luận Văn cho các hộ trồng bưởi tại một số xã của huyện Thọ Xuân. 

Theo cơ quan này, với việc tiếp thu những kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm trồng bưởi qua nhiều năm và với chính sách hỗ trợ hiệu quả của huyện và tỉnh, sẽ khuyến khích các hộ trồng bưởi mở rộng diện tích và là tiền đề quan trọng để huyện Thọ Xuân hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, trong đó có bưởi Luận Văn. Bên cạnh đó, dòng bưởi này cũng đang được xây dựng chỉ dẫn địa lý “Luận Văn”, qua đó "thương mại hóa" dòng sản phẩm này. Theo các chuyên gia về trồng trọt, vấn đề hiện nay là phải bảo vệ, bảo hộ danh tiếng của bưởi Luận Văn và địa danh nơi trồng, một yếu tố rất quan trọng để trong tương lai phát triển dòng bưởi này một cách căn cơ. 

Đầu năm 2011, một nhóm nghiên cứu về bưởi Luận Văn thậm chí đã tổ chức hội nghị thử nếm bưởi Luận Văn tại xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa. Trong hội nghị, ngoài việc thử nếm và cùng đánh giá chất lượng cảm quan 14 mẫu bưởi được lấy tại các điểm khác nhau, các đại biểu còn chia sẻ ý kiến của mình về thực trạng trồng bưởi tại địa phương, các ý kiến xung quanh việc xây dựng thương hiệu và thương mại cho sản phẩm sau này.


Vài năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như được khích lệ bởi những hoạt động hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ dân đã bắt tay vào việc trồng bưởi Luận Văn một cách có bài bản. Theo nhận định chung của các chuyên gia cũng như chính những người nông dân, tiềm năng của bưởi Luận Văn là rất lớn, tuy nhiên sẽ cần có thêm thời gian để dòng bưởi này có thể vươn xa.

Theo một chuyên gia Sở NN&PTNT Thanh Hóa, bưởi Luận Văn có một lợi thế rất lớn là chín vào đúng dịp Tết cổ truyền, lại có màu đỏ đẹp mà không giống bưởi nào có được và rất thơm nên trong tương lai đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn, đặc biệt trên góc độ giá trị tâm linh.



Giá trị tâm linh ở Bưởi Luận Văn


Bưởi Luận Văn có nguồn gốc tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Giống bưởi này nổi tiếng vì là sản vật tiến vua, đặc biệt là thời hậu Lê. Quả bưởi Luận Văn khi nhỏ có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi, có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng.
Ngoài giá trị thuần túy là loại "trái cây ngon", điều khiến người dân thích sử dụng loại bưởi này để thờ cúng trong dịp Tết âm lịch còn vì quả bưởi đỏ Luận Văn được xem là một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng trời, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết, cùng với các sản phẩm khác như quả bòng, phật thủ... Nhiều người cũng thích sử dụng bưởi Luận Văn để làm quà biếu vì tuy giá trị vật chất không lớn nhưng giá trị văn hóa và tâm linh là rất ý nghĩa.
Quý giá là vậy nhưng bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ tại Thanh Hóa, ít khi có dịp vươn ra thị trường các tỉnh thành khác. Nói theo ngôn ngữ thời thượng là đặc sản này chưa được thương mại hóa, trong bối cảnh các dòng bưởi khác như: Năm Roi, Phúc Trạch, Diễn, Đoan Hùng...
Tuy nhiên, cùng với sự hồi sinh cho giống bưởi quý tiến vua tại vùng đất Thọ Xuân, ngày càng có nhiều người trên khắp mọi miền đất nước đã biết đến dòng bưởi này bởi hương vị, màu sắc đặc trưng và nét văn hoá tâm linh riêng có của vùng đất trồng nơi đây.
Tết này, bưởi Luận Văn cũng đã chính thức trở thành sản vật quê hương Thọ Xuân, có mặt trên nhiều thị trường với mức giá khoảng 100-150 ngàn/quả. Đặc biệt, những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 500-600 ngàn đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có một số lượng khá ít bưởi Luận Văn được đưa về Hà Nội, nhưng cũng là một nét mới mang đậm sắc màu trong mâm ngũ quả của ngày Tết Giáp Ngọ năm nay, nhất là đối với những người sành sõi về bưởi và am hiểu "thuyết ngũ hành, âm dương".

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Huyện Thọ Xuân nhân rộng Bưởi quý Luận Văn

Bưởi Luận Văn là giống bưởi quý có lịch sử phát triển từ thời hậu Lê tại xã Thọ Xương (Thọ Xuân). Bưởi Luận Văn ngọt, vỏ quả, múi và tép bưởi khi chín có màu đỏ, tép bưởi giòn nhưng nhiều nước, hương thơm rất đặc trưng.





Quả chín vào tháng 10, tháng 11 dương lịch và có thể bảo quản đến Tết Nguyên đán nên rất có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, bưởi Luận Văn còn mang giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, đã có một thời giống bưởi quý này rơi vào quên lãng, có nguy cơ tuyệt giống do nguyên nhân chủ yếu là sự không mặn mà của những người trồng bưởi.

Để bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn cùng với tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh, phòng chống sâu bệnh bưởi Luận Văn cho 150 hộ tại 3 xã: Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Lam, huyện Thọ Xuân phối hợp với Trung tâm Nuôi cấy mô Thanh Hóa tổ chức cấp gần 1.000 cây bưởi Luận Văn cho các hộ gia đình ở xã Thọ Xương để trồng trên diện tích đất nằm trong dự án khôi phục và phát triển bưởi Luận Văn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, trong đó có bưởi Luận Văn.




Bảo tồn và phát triển Bưởi Luận Văn

  Ở Thanh Hoá, giống bưởi Luận Văn được trồng lâu đời ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Vốn đã nổi tiếng là loại quả được chọn để tiến vua, có nhiều đặc tính quý như khi ăn cảm giác có vị ngon, tép bưởi dòn, có mùi thơm đặc trưng.
Khi quả bưởi chín vỏ quả, múi và tép quả có màu đỏ gấc rất đẹp. Hàm lượng caroten cao, mùi quả rất thơm lại có thờ gian thu hoạch kéo dài đến tết Nguyên Đán nên có giá trị trưng bày ngũ quả và thương mại rất cao. Một cây bưởi tốt mỗi vụ có thể cho thu hoạch từ 150 – 200 quả mang lại thu nhập cho người dân từ 3-4 triệu đồng một năm, tương đương với thu nhập từ sản xuất một sào lúa. Trong khi đó với diện tích 1h có thể trồng được từ 400 -500 cây. Ngoài ra giống bưởi này còn có giá trị văn hoá lịch sử gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của anh hùng dân tộc Lê Lợi và khu di tích lịch sử Lam Kinh.
  

Tuy có vai trò, vị trí quan trọng như vậy, nhưng hiện nay cây đặc sản quý này đang dần ít đi về số lượng, giảm sút về chất lượng ngay chính trên vùng quê Thọ Xương. Để bảo tồn và phát triển giống bưởi quý này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã giao cho Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hoá triển khai thực hiện đề tài khoa học: “Ứng dụng công nghệ vi ghép trong sản xuất, phát triển cây bưởi Luận Văn đặc sản của Thanh Hoá”. Tại Quyết định số 1953/QĐ-UBND ngày 17/7/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt danh mục và cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN đợt VII năm 2006. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hoá đã ký Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ số 375/HĐ-KHCN với Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hoá để triển khai thực hiện đề tài.
  

Sau 2 năm triển khai thực hiện giai đoạn 1, đề tài đã đi sâu tìm hiểu lịch sử trồng trọt, thực trạng sản xuất bưởi Luận Văn tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho thấy: Do mới có sự quan tâm phát triển cây bưởi Luận Văn của chính quyền địa phương và người dân, mặt khác về kỹ thuật trồng trọt người dân trồng bưởi theo kinh nghiệm: sử dụng cành chiết từ các cây trồng căn cỗi, lâu năm, chế độ chăm sóc và bón phân không đúng liều lượng, chủng loại, thời điểm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây...

Cũng thông qua việc thực hiện đề tài này, ngay trong giai đoạn 1, đề tài cũng đã đào tạo được 5 cán bộ kỹ thuật có tay nghề nhân giống cây có múi bằng công nghệ vi ghép và có khả năng tổ chức triển khai công nghệ vi ghép từ nguồn vật liệu cây đầu dòng bưởi Luận Văn, xây dựng vườn cây đầu dòng bưởi Luận Văn S0. Nguồn gen cây đặc sản đã được lưu giữ tại nhà màn của vùng lưu giữ trình diễn nuôi cấy mô thực vật của Trung tâm, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hoá.

Sau khi giai đoạn 1 của đề tài kết thúc, UBND tỉnh đã cho thực hiện tiếp giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2, đề tài cũng đã thu được một số kết quả ban đầu như: Tiếp tục lưu giữ vườn cây đầu dòng S0 (kết quả các cây S0 sinh trưởng tốt, sạch bệnh và đã được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận cho khai thác mắt ghép), Vườn cung cấp mắt ghép S1 hiện nay các cây S1 sinh trưởng phát triển tốt và có thể khai thác mắt ghép để sản xuất cây giống bưởi Luận Văn sạch bệnh phục vụ sản xuất trên quy mô lớn. Đề tài cũng đã gieo ươm cấy vào bầu được 2.600 cây, đã thực hiện ghép được 1.200 cây đạt chất lượng tốt, gốc ghép, chiều dài cành ghép đạt tiêu chuẩn xuất vườn trồng sản xuất, là cây giống sạch bệnh (được Viện Bảo vệ thực vật xác nhận). Đề tài cũng đã lập hồ sơ vườn cây đầu dòng S­­0, vườn cung cấp mắt ghép S1 báo cáo Sở NN&PTNT đề nghị cấp giấy chứng nhận nguồn giống. Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hoá cũng đã đăng ký với Trung tâm Khảo, Kiểm nghiệm giống Quốc gia để được giám sát và cấp giấy chứng nhận chất lượng cây giống phù hợp tiêu chuẩn khi lô cây giống đạt yêu cầu.

Tuy đến hết năm 2011 đề tài mới nghiệm thu, nhưng với những kết quả trên đã mang lại ý nghĩa khoa học về phục tráng giống bưởi đặc sản của Thanh Hoá, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, vừa có ý nghĩa trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương và là điều kiện để xây dựng mô hình trồng thâm canh bưởi Luận Văn có năng suất, chất lượng cao tại Thọ Xuân – Thanh Hoá.

Vũ Thị Hà - Sở KH&CN Thanh Hoá
  

Bưởi Đỏ Luận Văn là sản vật tiến Vua

Bưởi Luận Văn có nguồn gốc tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Giống bưởi này nổi tiếng vì là SẢN VẬT TIẾN VUA, đặc biệt là thời hậu Lê. Quả bưởi Luận Văn khi nhỏ có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc. Vỏ quả, cùi quả, vỏ múi, có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng. Ngoài giá trị thuần túy là loại "trái cây ngon", người dân còn rất thích sử dụng loại bưởi này để thờ cúng trong dịp Tết âm lịch vì quả bưởi đỏ Luận Văn được xem là một BIỂU TƯỢNG của sự MAY MẮN và TÀI LỘC.